Những chuyện bình thường quanh “Cô dâu 8 tuổi”
 
Thứ Tư, 08/07/2015 02:16

Dịp cuối năm ngoái, khi về Nghệ An thăm một người bạn, khoảng 8h tối, tôi bỗng thấy bọn trẻ reo lên “Cô dâu 8 tuổi!, Cô dâu 8 tuổi”. Tức thì chúng  chạy vào nhà, ngồi trước TV. Ông bà và bố mẹ cũng vội thu xếp việc ngoài sân, chạy vào đón xem phim. Bạn tôi giải thích: “Phim này không hiểu sao tụi trẻ nhà tôi rất thích. Chúng làm lây sang cả ông bà, bố mẹ nữa”.

 
 
 
 
 




Tôi hiểu rằng, đó là những bài học cơ bản mang tính giáo khoa cho bất cứ người làm phim nào. Tức là, muốn biết  phim mình hay hoặc dở, cứ kể cho bọn trẻ con nghe trước. Nếu chúng ngáp dài thì cho dù các nhà phê bình gạo cội khen hay nhưng phim vẫn không mấy người ngó ngàng tới. Tại sao lại thế? Ồ, bọn trẻ vẫn còn tinh khiết lắm, còn trong sáng lắm và cũng thính nhạy lắm. Chúng đã phát hiện ra cái gì hay thì người lớn chỉ còn cách “ăn theo” mà thôi.

Phim Cô dâu 8 tuổi chiếu trên kênh Today TV từ lâu, giờ đã được hơn 200 tập. Tại sao bây giờ các nhà báo mới làm rùm beng cả lên? Tại sao các cây bút  truyền thông mạng mới đua nhau comment ? Các bạn đâu có tinh đời bằng lũ trẻ con nhà quê! Đúng không? Việc các bạn la lối om xòm đâu có gì mới.

Nhiều người kêu lên: “Phim gì mà dài những 2000 tập! Thời gian đâu mà xem?” cùng nhiều lời bình phẩm khác. Xin thưa, 2000 tập đã ăn thua gì! Tôi nói thật đấy. Mỗi tập phim chỉ dài 25 phút thôi. Nếu trung bình một tập phim truyền hình Việt Nam dài 45 phút, bạn thử làm phép chia bình thường, bạn sẽ thấy độ dài chủa phim này đâu có là kỷ lục. Bạn hãy nhớ lại xem. Mấy nghìn năm trước, xứ Ba Tư cổ (Iran bây giờ) đã có chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm rồi. Ngay ở Tây Nguyên nước ta, cũng có những sử thi mà già làng hát  suốt 7 ngày 7 đêm mới hết. Và khi nghe hát xong, gái trai bỏ hết vào rừng để tình tự. Chắc bạn cũng biết những áng văn học cổ Trung Hoa như Tam quốc chí, Tây Du ký hay Hồng Lâu mộng… dài như thế nào. Có cả những người kể chuyện rong từ vùng này đến vùng khác, kể lại những bài ca quen thuộc cho dân chúng thưởng thức.

Dạo chúng tôi còn học ở Nga, những năm 90 của thế kỷ XX, đài truyền hình Nga đã chiếu nhiều bộ phim dài tập của Braxin. Phim dài đến nỗi, bạn tôi xem từ những năm mới vào đại học đến khi tốt nghiệp, vẫn chưa hết. Khi bạn tôi sang lại làm nghiên cứu sinh, vẫn tiếp tục xem. Và chúng tôi khi trò chuyện với nhau, thường lấy phim ra làm cột mốc. Chẳng hạn, “Tao về nước khi phim chiếu đến tập…”; “Khi tao sang Nga, phim chiếu đến tập…”.

Những kỷ niệm đời mình gắn với độ dài của phim, cũng là nét riêng, nhiều thú vị. Sau này, tôi được biết, ở các nước thuộc châu Mỹ latinh có truyền thống kể chuyện nhiều tập trên đài truyền thanh (gọi là radionovela) và trên truyền hình (gọi là telenovela). Tức là các nhà văn và nhà làm phim kể chuyện nhiều kỳ, nhiều tập trên đài phát thanh và TV. Không tin các bạn tìm đọc cuốn Dì Hulia và nhà văn quèn của nhà văn Peru Mario Vargas Llosa (Giải Nobel văn học 2010), đã được dịch ra tiếng Việt từ lâu. Bạn sẽ thấy các nhà văn nơi đây có tài kể chuyện “trường thiên tiểu thuyêt” thế nào. Và ở Nga hiện nay, có hẳn một thể loại gọi là “tiểu thuyết truyền hình” (televisionroman). Đó là những bộ phim truyền hình có độ dài, dài đến nỗi, khi nào khán giả chán xem thì không làm nữa! Ở Mỹ và ở  Úc cũng có nhiều bộ phim tương tự.



Nhưng có bạn hỏi: “Phim dài thế liệu có phù hợp với tốc độ cuộc sống hiện nay không?” Tôi lại hỏi: “Bạn căn cứ vào đâu mà nói tốc độ cuộc sống?” Đó là góc nhìn của bạn. Còn đa số dân chúng vẫn sống theo “nhịp điệu mùa màng”. Nghĩa là họ biết tận hưởng giá trị từng giây phút. Sống nhanh đâu phải sống nhiều. Có bạn còn chê: “Sao một giọt nước mắt rơi lâu thế?”. Thế thì bạn lại chọn cách xem phim chạy theo mạch truyện rồi. Tôi thấy khán giả bây giờ, họ không xem phim mà thưởng thức phim. Thưởng thức thế nào? Tức là họ ngắm từng cái vòng, từng đôi khuyên tai của nhân vật; họ chiêm ngưỡng từng cái áo diễn viên mang, từng màu sắc chiếc khăn mà diễn viên quàng. Nhiều anh bạn kiến trúc sư còn quan sát từng kiểu cầu thang, từng kiến trúc ngôi nhà trong phim. Đó là chưa kể nhiều bạn còn thuộc ca khúc trong phim, lắng nghe từng câu thoại, từng tiếng động ban ngày hay ban đêm… Viết đến đây, tôi lại nhớ đến nghệ sỹ Thế Anh. Năm 2000, gặp nhau ở Hội điện ảnh Việt Nam, anh tâm sự: “Người ta mua phải hàng giả là biết ngay. Nhưng khán giả xem phải loại phim giả thì rất khó nhận biết. Đến khi nhận ra thì mới biết sự xuống cấp việc xem phim của mình”.

Và nhiều bạn còn phỏng đoán: “Cô dâu 8 tuổi nói về nạn tảo hôn. Cái kết thể nào cũng yêu nhau thắm thiết”. Thế thì đơn giản quá. Cái chuyện tảo hôn đâu cũng có. Nhưng cái hay của người kể chuyện là biết cách kể ra như thế nào. Bạn nhớ ca dao của nước mình không? “Yêu anh từ thuở lên ba/ Mẹ bồng ra ngõ hái hoa anh cầm/ Yêu anh từ thuở lên năm/ Mẹ bồng ra ngõ em cầm tay anh”. Các cụ yêu nhau quá sớm, tội lỗi đầy mình. Đúng không? Tôi trích cho bạn một đoạn thơ của R. Tagore (1861-1941) trong tập Tặng vật nữa: “Từ những ngày niên thiếu đời tôi vang lên lời nhắn gọi: Tôi đã chờ anh, chờ anh trong biết bao run rẩy của tháng Năm chưa tới, khoảng thời gian ấy nụ cười biến thành nước mắt, và giờ khắc nhói đau cùng những bài công an chửa hát bao giờ.

Hãy đến với tôi qua vết thời gian phai mờ hay ngõ vào cái chết. Bởi lẽ mộng nào rồi cũng tàn phai, hy vọng nào rồi cũng nát tan, và trái quả nào hái được trong năm cuối cùng cũng héo khô, nhưng tôi là sự thật muôn thuở, và trong chuyến du hành cuộc đời, từ bờ này đến bờ kia, chúng mình sẽ gặp nhau, và gặp nhau hoài hoài”. Đấy là tình yêu  chân chính, đúng không? Cũng như tôi, nhiều khi đi trên đường, giữa đám đông, vẫn nghêu ngao bài hát nhạc vàng, rất sến.“Anh đã yêu em từ muôn kiếp nào”. Đời vui mà bạn.



Trở lại phim Cô dâu 8 tuổi khiến ai cũng thích. Vì sao? Đó là một quá trình lịch sử. Nhà nghiên cứu điện ảnh Ấn Độ Khalid Mohamed đã viết: “Qua các  giai đoạn khác nhau trong lịch sử của mình, điện ảnh Ấn Độ đều vay mượn các đề tài, cốt truyện và thậm chí lấy nguyên cả kịch bản của các nước, nhất là Holywood. Những siêu phẩm điện ảnh với trang phục cổ xưa, những phim li kỳ giật gân, những câu chuyện tình và những tấn kịch gia đình quay tại Mỹ thường được dựng lại và cải biến đi cho thích hợp với những thị hiếu khắt khe và bất di bất dịch của khán giả Ấn Độ. Phim nào cũng phải có ít nhất 5 hoặc 6 bài hát và điệu múa (cho dù mấy năm gần đây, có những đạo diễn táo bạo đã giảm đi một nửa sô bài hát và điệu múa này), cốt truyện phải bi thương, gây xúc động mạnh mẽ và kết thúc bằng một pha gay cấn”. Họ tiếp thu nhưng cũng rất sáng tạo. Đúng không? Nhà phê bình còn phân tích rõ thêm: “Như đã thành một cái nếp, bộ phim nào của Ấn Độ cũng phải có một vai nam chính, một vai nữ chính, xung quanh các vai đó là vai người mẹ, một vai hề để làm cho không khí trong phim được nhẹ nhàng, một em nhỏ để phục vụ lớp khán giả nhỏ tuổi”.  Ồ, câu chuyện gia đình được kết hợp rất tài tình. Đúng là những nhà kể chuyện siêu phàm? Cả nhà quay quần quanh chiếc TV mà. Nhưng họ cũng sáng tạo để phim của họ “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhà phê bình viết tiếp: “Tuy nhiên, điện ảnh Ấn Độ không chỉ hạn chế  ở chức năng giải trí. Điện ảnh Ấn Độ đã thực hiện sự cố gắng miêu tả tính cách, tâm hồn con người Ấn Độ, bênh vực cái thiện, khẳng định cái thiện nhất định sẽ thắng cái ác, đứng về phía những người bị chà đạp, áp bức, đề cao thái độ tôn kính người già và nhấn mạnh đến cái giá của sự lương thiện trong một thế giới tràn ngập những cái xấu xa đồi bại”. (Theo Tạp chí Thông tin UNESCO. Số chuyên đề: “Ấn Độ - từ hôm qua đến ngày mai - 1989). Bây giờ bộ phim mới chiếu sang phần 2. Nếu bạn kiên trì theo dõi phần 3 và phần 4, bạn sẽ hiểu và yêu bộ phim hơn.

Và phim Ấn Độ được phát hành ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả những nước có nền phim truyền hình phát triển mạnh như Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc… cũng đều mua phim Ấn Độ. Bởi những bộ phim đó như những người bạn tâm tình trong gia đình, lại vừa như một cửa sổ văn hóa để khán giả các nước khác được “du lịch đến Ấn Độ” một cách tiện lợi nhất.

Đối với các nhà phê bình và nghiên cứu phim, việc khán giả sôi sùng sục lên với bộ phim này hay lạnh nhạt với bộ phim kia thì đó vẫn là một câu đố muôn đời không có lời giải. Trong nghệ thuật cũng như trong kinh doanh, không nên nghĩ đến chuyện “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Không thể bắt chước được đâu. Cánh cửa kinh doanh, cánh cửa nghệ thuật luôn rộng mở. Để thành công, người ta cần kiên trì theo đuổi con đường và mục đích của mình. Từ đó mới có thể  tạo nên bản sắc của riêng mình.

Đoàn Tuấn (Nguồn TGĐA)

 
Tạp chí Thế giới Điện ảnh: "VUI SAO NƯỚC MẮT LẠI TRÀO…" (Thứ Tư, 08/07/2015 02:03)
Hari Won vào vai bà trùm cực ngầu (Thứ Sáu, 03/07/2015 09:23)
Tuần phim Việt Nam tại Hoa Kỳ (Thứ Năm, 02/07/2015 10:03)
“Hi5 – Cùng hát cùng chơi”: Sân chơi bổ ích cho bé yêu (Thứ Năm, 02/07/2015 09:38)
Khen chê phim Quyên: chuyện 22 tỉ và 3 đĩa cơm sườn (Thứ Ba, 30/06/2015 04:58)
Kim Tuyến, Minh Luân bị cướp khi đang đóng phim... (Thứ Sáu, 26/06/2015 10:16)
Nghệ sĩ Việt kể chuyện “say nắng” (Thứ Năm, 25/06/2015 02:03)
Ybook phát hành tập truyện Thả nắng về trời (Thứ Năm, 25/06/2015 01:45)
Thanh Bình Nguyên phát hành tập thơ Áo Trắng phiên bản Ybook (Thứ Tư, 24/06/2015 05:14)
Trường Giang diễn miễn phí dành cho sinh viên (Thứ Tư, 24/06/2015 03:59)
Lễ viếng GS-TS Trần Văn Khê bắt đầu từ trưa 26/6 (Thứ Tư, 24/06/2015 03:46)
Nhà thơ Trần Huy Minh Phương phát hành tập thơ "Gió mặn" phiên bản ybook (Thứ Tư, 24/06/2015 03:38)
Tạp chí Thế giới điện ảnh số 12 (Tháng 6/2015) (Thứ Tư, 24/06/2015 10:22)
'Cò' Phùng Ngọc của Đất phương Nam lạ lẫm trong phim điện ảnh hiếm hoi (Thứ Tư, 24/06/2015 10:05)
ÁO TRẮNG - MÙA HÈ RỰC NẮNG (Thứ Năm, 18/06/2015 02:07)
 
 
 
LIÊN HỆ
Đề cử
Bình chọn
Giới thiệu
TRANG CHỦ
Bản quyền thuộc Tập đoàn Quốc tế Truyền thông IMC. Bảo lưu mọi quyền.

Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM. Email: info@imcorp.com.vn. Điện thoại: (028) 3848 0678