Điện ảnh Việt và những cung bậc xúc động trong màn mưa
 
Thứ Tư, 08/10/2014 09:15

Màn ảnh Việt không hiếm cảnh tình cảm dưới mưa, đó thường là những tình yêu nam nữ được làn mưa mướt lên một màu lãng mạn trong phim truyền hình. Thế nhưng, điện ảnh Việt thì lại thiếu nhiều những dấu ấn sâu sắc đó...

 
 
 
 
 

Điện ảnh Việt và những cung bậc xúc động trong màn mưa


Mưa - nắng, nóng - lạnh, đêm - ngày, cao - thấp… ngay từ thời xa xưa, đã là những cặp đôi song hành trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt. Những câu hát “Thân em như hạt mưa sa…”, “Quê em hai mùa mưa nắng…” lúc nào cũng nghe văng vẳng đâu đây từ Bắc chí Nam. Mưa là hiện thân của nữ tính, của người đàn bà, của những gì mềm yếu nhưng mãnh liệt. Mãnh liệt như tình yêu. Mãnh liệt như tình dục. Mãnh liệt như “Thủy - Hỏa - Đạo - Tặc” - trong bốn thứ giặc giã nguy hiểm nhất thì Nước đứng đầu. Nhưng trong thơ ca, trong âm nhạc, và trong phim, thì mưa luôn luôn là niềm cảm hứng lãng mạn của những câu chuyện tình.[/B]

Rain

Tôi nhớ, lâu lắm rồi, đi xem một bộ phim đen trắng. Mở màn đã là mưa. Mưa xối xả trên đường, trong đêm, trùm lên chiếc xe tải đang trầy trật trên con đường thời hậu chiến ở Hải Phòng. Xe dừng. Một người con trai nhảy xuống. Anh chạy về nhà mình, gọi to: “Mẹ ơi! Mở cửa cho con!”. Trong nhà, bà mẹ chắp tay khấn: “Con ơi! Đi đi! Đừng về làm
khổ mẹ nữa!”. Bà nhìn bức ảnh trên bàn thờ. Người xem nhận ra, người gọi cửa là con trai bà đã tử trận. Nhưng anh vẫn gọi. Giọng ngày một vang hơn, đầy sinh khí hơn. Cuối cùng, bà mẹ phải mở cửa. Anh ùa vào ôm lấy mẹ rồi đến trước bàn thờ, hạ  tấm ảnh mình xuống. Anh đặt lên đó bức ảnh khác. Mẹ hỏi: “Những ai thế hả con?”. Anh trả lời: “Đồng đội con đấy, mẹ ạ. Họ đã chết cả rồi!”. Những gương mặt của bao người con gái, con trai đẹp như hoa. Và ngoài trời, mưa vẫn dệt lên thứ âm nhạc đung đưa,  như gần, như xa. Đó là đoạn mở đầu của bộ phim Ngày về của vợ chồng nhà biên kịch - đạo diễn Đoàn Lê - Tự Huy. Và diễn viên đóng vai người con trở về đó là Hữu Mười. Anh cho biết, phim này cách đây đã gần 30 năm. Tại sao tôi nhớ? Vì ngoài những hình ảnh xúc động, bộ phim này còn có cái đặc biệt nữa là, mở ra đã  thấy mưa. Mưa tràn trề. Và mưa đã thấm đẫm đường về của người lính sau những ngày khói lửa. Mưa thấm cả kiếp người vất vả sau chiến tranh.

Poster_phim_Ba_ma

Năm 1992, đoàn làm phim Ngõ Đàn bà (Chuyện tình trong ngõ hẹp - Biên kịch Đoàn Minh Tuấn - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) quay bối cảnh ở Đà Lạt. Trong phim có cảnh cô thiếu nữ Hà (Mỹ Duyên) bỏ nhà đi sau những hiểu nhầm trong đời sống gia đình. Sinh (Thanh Quý) - người mẹ cùng cha dượng Toàn (Đơn Dương) cùng chạy đi tìm trong chiều mưa cao nguyên. Mưa dào dạt. Tổ đạo cụ phun lên trời bao nhiêu nước. Gió cao nguyên thổi đầy hoang dã, những làn nước xô bên này, dạt bên kia như quất lên, như quyện lấy Thanh Quý và Đơn Dương. Hai người vừa chạy vừa vuốt mặt trên con đường dốc thoai thoải dạt dào nước mưa mà trong lòng tan rã. Giọng Thanh Quý gọi con gái như lạc mất trong tiếng gió, tiếng mưa. Chị như ngã quỵ khiến Đơn Dương phải đỡ. Tôi cảm thấy hai diễn viên tài năng đó đã chạm vào trái tim người xem. Thanh Quý nói, câu chuyện trong phim dường như là câu chuyện trong gia đình chị lúc bấy giờ. Và cảnh chị chạy trong mưa cũng chính là biểu tượng của bao lần chị chạy tìm con trong đời. Chị đã có những ngày hạnh phúc bên bạn diễn. Nhưng bây giờ, Đơn Dương không còn nữa. Song, trong ký ức của mình, từ hàng ghế người xem, tôi vẫn nhớ hình ảnh anh đẫm nước mưa ở cuối con đường.

L_Cng_Tun_Anh_v_Thy_Tin__to_nn_mt_cnh_lng_mn_di_ma_khng_th_qun_trn_mn_nh_Vit

Bạn có nhớ phim Ba Mùa của Tony Bùi không? Mùa mưa - Mùa nắng và Mùa hy vọng, đạo diễn giải thích thế. Nhưng tôi nhớ  một câu chuyện nhỏ trong mùa mưa. Câu chuyện của cậu bé bán hàng rong với thùng đồ bị mất. Trong phim, có bao diễn viên ăn mặc đẹp, ở nhà sang, nhưng cậu bé đó đã bị đạo diễn cho mặc một cái áo mưa từ đầu đến cuối. Mà những cảnh của cậu bé đều phải diễn trong đêm, ngoại cảnh, dưới trời mưa như trút nước ở Sài Gòn. Hỏi có diễn viên nào khổ sở đến ấn tượng như thế không? Có một chi tiết cực thú vị. Cậu bé vào khách sạn bán đồ, được một ông cựu binh Mỹ (Harvey Keitel) quý mến, cho uống bia đến xỉn. Ôi trẻ con, một ngụm bia là lăn quay ra ngay! Biên kịch và đạo diễn thật có tài quan sát. Thế là thùng đồ mất. Cậu bé đi tìm, bị bảo vệ khách sạn đuổi ra ngoài phố. Trên hè, cậu va phải một bé gái nhặt phế liệu cũng đang bị bảo vệ tống cổ. Hai đứa ngã dưới mưa. Cậu nhặt giúp cô bé mấy vỏ lon bia rồi cậu về, bị bố cho ăn bợp tai, lại lang thang trong đêm mưa, may có anh xích lô tên Hải (Đơn Dương) chở đi tìm. Cậu tình cờ lạc vào rạp phim. Ở đó, đang chiếu một phim cao bồi. Vớ được cây kiếm bên màn ảnh, cậu cũng tham gia đấm đá. Bỗng “xoạc” một cái. Hóa ra cậu đâm thủng màn ảnh. Phim vẫn chiếu, màn ảnh rách và cậu đứng chết trân trong tiếng cười thú vị của khán giả. Hiểu ra, cậu lao xuống phía dưới, chạy như trốn trên những hàng ghế đầy người xem và ra ngoài. Trời vẫn mưa. Cậu lại hồn nhiên thả con thuyền giấy trên dòng sông đầy nước. Cô bé nghiêng đầu cúi sát dòng sông nhìn thuyền trôi. Đẹp vô cùng Sài Gòn đêm mưa. “Phố bỗng là dòng sông uốn quanh” (Trịnh Công Sơn). Rồi một cảnh tiếp, cậu đang ngồi thu lu trên hè phố, vẫn khoác áo mưa, đói meo, cô bé bẻ cho cậu miếng bánh mỳ. Cả hai cùng ăn trong giai điệu vui của những hạt mưa và cô bé gục đầu vào vai cậu ngủ. Chợt có trái bóng lăn tới, cậu chơi liền. Ôi lũ trẻ chơi bóng dưới mưa, chơi trong đêm, chơi trên đường phố dạt dào như dòng sông. Đoạn phim không lời, chỉ có hình ảnh tuổi thơ trong trẻo và tiếng nhạc  mưa chan hòa. Như giấc mơ trong đêm, như thiên đường giữa phố. Rồi một chiếc taxi đi qua, trở về đời thực. Cuộc chơi hết, cô bé tỉnh giấc, lại cùng cậu bé đi vào đời. Câu chuyện này nhỏ  thật đẹp, đẹp nhất trong mưa Sài Gòn. Nhưng Tony Bùi, sao anh không làm phim nữa?

Paper-Boats-Rain

Và còn một câu chuyện tuyệt vời trong mưa nữa. Đó là đoạn phim cực lãng mạn trong phim Vị đắng tình yêu phần 1. Đêm mưa, chàng Đông Ki-sốt (Lê Công Tuấn Anh) mang bó hoa dại, trèo cổng, vào tặng cô bé chơi dương cầm (Thủy Tiên), như đúng ước vọng của cô. Cảnh phim bất tử này, trước đây, tôi đã kể. Cũng như Đơn Dương, linh hồn Lê Công Tuấn Anh chắc đang phiêu diêu trong cõi nào. Mưa nối đất với trời, nối âm với dương, nối chúng ta với những câu chuyện rì rào mãi trong tâm hồn…

Màn ảnh Việt không hiếm cảnh tình cảm dưới mưa, đó thường là những tình yêu nam nữ được làn mưa mướt lên một màu lãng mạn trong phim truyền hình. Thế nhưng, điện ảnh Việt thì lại thiếu nhiều những dấu ấn sâu sắc đó. Nhưng bù lại, mưa được sử dụng trong phim có thể là cung bậc của tình yêu nam nữ, tình yêu trẻ thơ, tình yêu đơn phương, tình đồng đội, gia đình. Mỗi cơn mưa là một sắc thái, nhưng nó đều phục vụ cho nội tâm nhân vật, cho các cung bậc tình cảm khác nhau ngân lên…

Phụng Công (Nguồn TGĐA)

 
Nhà nước có nên tiếp tục đặt hàng, tài trợ cho điện ảnh? (Thứ Ba, 07/10/2014 09:34)
THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH 5/10/2014 - "Các Dòng Phim Đều Chảy..." (Thứ Ba, 07/10/2014 08:49)
Sơ khảo VMU 2014 tại TP. HCM và Cần Thơ: Bữa tiệc muôn màu “vẻ đẹp của sự thông minh” (Thứ Ba, 23/09/2014 11:20)
“Trung thu Hội ngộ" cùng sao Việt (Thứ Tư, 10/09/2014 11:30)
NSƯT Mỹ Uyên “Tôi gai người ngay khi đọc kịch bản!” (Thứ Tư, 10/09/2014 11:13)
THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH SỐ 17: "Ca sĩ & Điện ảnh" (Thứ Sáu, 05/09/2014 02:10)
Sơ khảo VMU 2014 tại Hà Nội: Ngập tràn hương sắc Hà thành (Thứ Sáu, 05/09/2014 02:02)
Cứ kiêu hãnh đi, độc thân ơi! (Thứ Năm, 04/09/2014 11:42)
Scandal – Hào quang trở lại: Sẵn sàng bùng nổ phòng vé (Thứ Sáu, 29/08/2014 03:44)
THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH 20/08/2014 - "Tình yêu trong mưa" (Thứ Tư, 20/08/2014 05:09)
Tina Tình… lênh đênh trọn vẹn trong Mất xác (Thứ Ba, 19/08/2014 05:22)
Lê Khánh - Tuổi 30 độc thân vui tính (Thứ Ba, 05/08/2014 01:25)
Lộ ảnh thân mật của “tình cũ” Tiến Đoàn và Trường Giang (Thứ Sáu, 01/08/2014 09:54)
Thế Giới Điện Ảnh số 14 (tháng 7/2014) "Sắc màu Đông Nam Á" (Thứ Tư, 23/07/2014 10:25)
Tưng bừng sinh nhật IMC - TodayTV lần 6 (Thứ Hai, 21/07/2014 10:28)
 
 
 
LIÊN HỆ
Đề cử
Bình chọn
Giới thiệu
TRANG CHỦ
Bản quyền thuộc Tập đoàn Quốc tế Truyền thông IMC. Bảo lưu mọi quyền.

Địa chỉ: 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM. Email: info@imcorp.com.vn. Điện thoại: (028) 3848 0678